Shark Louis Nguyễn: Điểm thiếu sót của người Việt là ngại “đụng chạm”

“Điểm thiếu sót là người Việt chúng ta ngại ‘đụng chạm’, làm người khác phật lòng, trong khi công việc cần sự thẳng thắn, thật thà. Khi gặp chuyện gì đó sai sót hoặc không tốt thì cần có trách nhiệm, biết xin lỗi, không đổ lỗi cho người khác hay lấy lý do ngoại cảnh, ngoài tầm kiểm soát như Covid…”, doanh nhân Louis Nguyễn chia sẻ.

Ông Louis Nguyễn hiện là Chủ tịch HĐQT & Tổng Giám đốc Công ty quản lý Quỹ đầu tư Saigon Asset Management (SAM). Năm 2005, ông về Việt Nam sau nhiều năm phát triển sự nghiệp tại Thung lũng Sillicon, Mỹ. Ông nhận lời tham gia chương trình Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank Việt Nam) mùa 2 với vai trò là một nhà đầu tư “Cá Mập” và nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả với phong cách quyết đoán, mạnh mẽ.

Với kinh nghiệm “chinh chiến” dày dạn ở cả thị trường Việt Nam và quốc tế, ông Louis là một nhà lãnh đạo với hiểu biết sâu rộng về môi trường kinh doanh đa văn hoá với nhiều khía cạnh như nhân sự, đầu tư, tài chính, quản trị…

Tham gia talkshow “Mỗi tuần một chuyên gia”, khi được hỏi về sự khác biệt giữa môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế, những từ khoá được vị doanh nhân nhắc đến nhiều nhất đó là “minh bạch” và “liêm chính”. Ông cho biết đây là những điều mà thị trường Việt Nam còn thiếu sót, tạo thành rào cản cho sức phát triển chung.

Shark Louis Nguyễn: Điểm thiếu sót của người Việt là ngại đụng chạm - Ảnh 1.

Xin chào anh Louis, trở về Việt Nam sau nhiều năm ở Mỹ, anh có trải qua cú shock văn hoá nào trong công việc không?

Có chứ! Lúc mới về, tôi gặp nhiều khó khăn, vấp phải vài vấn đề vì đã sống ở Mỹ lâu, chưa hiểu về văn hoá Việt. Cụ thể là khi hợp tác với một công ty ở Việt Nam, tôi nhận ra mình không chỉ cần sự ủng hộ của các lãnh đạo cấp cao mà còn cần sự ủng hộ “ở giữa”, tức các lãnh đạo cấp trung. Nếu không thì công việc sẽ rất khó khăn. Do vậy, khi giao lưu và tiếp cận với một công ty, mình cần làm việc hài hoà với cả hai đối tượng đó.

Và quan trọng nhất khi làm việc tại Việt Nam là phải biết điều. Sự “biết điều” tôi nói ở đây có nhiều ý nghĩa…

“Biết điều” cụ thể là gì thưa anh?

Biết điều là tôn trọng những người khác, đánh giá cao sự đóng góp của họ và làm sao giữ cho mọi việc luôn sòng phẳng. Làm sao cho khách hàng, nhân viên và đối tác đều cảm thấy được sự công bằng trong mọi việc.

Anh nhận thấy điểm khác biệt nào lớn nhất giữa môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế?

Trong ngành đầu tư, khó khăn và thách thức lớn nhất của chúng tôi là sự minh bạch và liêm chính. Bởi trong ngành của tôi, đây là hai điều tối quan trọng. Hiện tôi vẫn mong mỏi được gặp nhiều hơn những đối tác đáp ứng được hai vấn đề đó.

Shark Louis Nguyễn: Điểm thiếu sót của người Việt là ngại đụng chạm - Ảnh 2.
Shark Louis Nguyễn: Điểm thiếu sót của người Việt là ngại đụng chạm - Ảnh 3.

Theo anh, so với bạn bè quốc tế, điểm mạnh của người Việt là gì?

Tôi thấy người Việt rất vui tính, thích giao lưu, hát hò và … ăn nhậu. Tôi thấy những điểm này rất hay vì người nước ngoài thường không cởi mở như vậy. Khi về Việt Nam, tôi cũng đã tập những thói quen đó và thấy cuộc đời vui hơn.

Trong công việc thì người Việt tập trung rất tốt. Họ cũng rất nhiệt tình khi làm việc gì lâu dài. Điểm nổi bật là họ rất thông minh so với người dân trên toàn cầu cũng như Đông Nam Á.

Shark Louis Nguyễn: Điểm thiếu sót của người Việt là ngại đụng chạm - Ảnh 4.

Vậy còn điểm thiếu sót thì sao?

Điểm thiếu sót là người Việt chúng ta ngại “đụng chạm”, làm người khác phật lòng, trong khi công việc cần sự thẳng thắn, thật thà. Khi gặp chuyện gì đó sai sót hoặc không tốt thì cần có trách nhiệm, biết xin lỗi, không đổ lỗi cho người khác hay lấy lý do ngoại cảnh, ngoài tầm kiểm soát như Covid chẳng hạn… Đây là một vấn đề tôi luôn cần cân nhắc.

Tôi muốn người Việt phát triển mạnh mẽ hơn về trách nhiệm của mình, khi xảy ra vấn đề, một người lãnh đạo không nên chỉ đổ lỗi cho nhân viên mà phải ý thức được lỗi của mình, biết chủ động trong mọi việc. Nhân viên cũng nên tự giác hơn, không phải lúc nào cũng chờ sếp đưa ra vấn đề rồi mới làm!

Khi tìm kiếm đồng sự, nhân viên cấp dưới,… anh quan trọng nhất phẩm chất, đặc điểm gì?

Tôi nghĩ khi chọn đồng nghiệp và nhân viên cấp dưới thì vấn đề quan trọng nhất với tôi bên cạnh sự minh bạch và liêm chính là sự tự giác, có trách nhiệm với công việc. Một đối tác, nhân viên cần đáp ứng được các tiêu chí này và thẳng thắn với nhau mọi việc ngay từ đầu mới có thể đi lâu dài với tôi và phát triển mối quan hệ mạnh mẽ.

Điều này có thay đổi không khi anh chuyển đổi môi trường làm việc từ Mỹ về Việt Nam?

Có, các phẩm chất trên vẫn rất quan trọng đối với tôi, nhưng sự khác biệt là với các đối tác, nhân viên nước ngoài, các thông tin thường có sẵn, hoặc do chúng tôi đã làm việc nhiều năm với nhau trong môi trường phát triển nên có phần tin tưởng hơn.

Ở thị trường Việt Nam, đôi khi chúng ta chưa có đủ dữ liệu để đánh giá các phẩm chất này của đối tác hoặc nhân viên nên cần có thời gian để tìm hiểu nhiều hơn về họ. Nếu bạn không tìm hiểu kỹ và khiến dự án không thành công, điều này sẽ dẫn đến mất uy tín. Đối với tôi đây là một thách thức ở Việt Nam.

Shark Louis Nguyễn: Điểm thiếu sót của người Việt là ngại đụng chạm - Ảnh 5.

Vậy còn về phong cách lãnh đạo của anh thì sao?

Tôi không thay đổi nhiều lắm về phong cách lãnh đạo nhưng lúc nào cũng mong muốn học hỏi thêm. Đối với tôi, điều cơ bản khi lãnh đạo là tôn trọng những người mình làm việc chung, giữ thái độ chuyên nghiệp, không bao giờ la hét. Như vậy sẽ tạo ra mối quan hệ tốt đẹp giữa sếp – nhân viên, đồng nghiệp cũng như đối tác.

Shark Louis Nguyễn: Điểm thiếu sót của người Việt là ngại đụng chạm - Ảnh 6.

Trong môi trường kinh doanh quốc tế, như thế nào được gọi là chuyên nghiệp?

Chuyên nghiệp đối với tôi bao gồm cả yếu tố bên trong và bên ngoài. Bên trong là sự đánh giá của các bạn đối với công việc. Cần coi công việc là trên hết. Khi không thành công hoặc làm sai thì không đổ lỗi cho người khác hay lấy lý do; có trách nhiệm hoàn thành công việc, đúng giờ, kết quả bạn đưa ra phải có sự chăm chút kỹ lưỡng, đủ để bạn cảm thấy tự hào về nó. Nếu có trễ deadline cũng phải báo cáo cho sếp biết trước chứ không thể để đến phút chót.

Bên ngoài thì không cần mặc đồ hiệu hay quá đẹp nhưng cần phải lịch sự, sạch sẽ và chỉn chu. Điều này cũng rất quan trọng.

Shark Louis Nguyễn: Điểm thiếu sót của người Việt là ngại đụng chạm - Ảnh 7.

Là một người lãnh đạo đa văn hoá, liệu anh có tuyển nhân sự có năng lực, giàu tiềm năng nhưng tác phong làm việc còn chưa chuyên nghiệp ở môi trường quốc tế không?

Điều đó bình thường đối với những người trẻ, chỉ làm việc nhiều ở Việt Nam. Tôi nghĩ nhiều công ty sẵn sàng cho các bạn cơ hội. Miễn bạn có tài năng và thái độ tốt thì vấn đề chưa phù hợp văn hoá, chưa đủ kinh nghiệm… có thể đào tạo sau. Quan trọng là khả năng đồng hành với những nhân viên khác, có thể hoà đồng để làm việc lâu dài không. Vì việc nhân viên không hoà hợp với những người khác hoặc lãnh đạo khác trong công ty sẽ tạo ra nhiều vấn đề khó khăn trong công việc.

Shark Louis Nguyễn: Điểm thiếu sót của người Việt là ngại đụng chạm - Ảnh 8.

Làm thế nào để một startup “chiều” được cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài?

Các startup hầu như là những công ty nhỏ, đang trong đà phát triển. Do vậy, vấn đề quan trọng khi họ tiếp cận đối tác hay nguồn vốn là chứng minh được tính khả thi và sự khác biệt của sản phẩm/dịch vụ của mình trên thị trường, biết được đối thủ của mình là ai, định giá doanh nghiệp của mình một cách đúng đắn, biết mình cần bao nhiêu vốn, cách quản lý tài chính, quản lý nhân viên… Làm sao chứng tỏ được mình đủ kinh nghiệm để có thể mang công ty nhỏ bé, nhiều rủi ro của mình phát triển với một chiến lược lâu dài… Điều này thì tôi nghĩ trong và ngoài nước không có sự khác biệt, đều giống nhau hết.

Theo anh, với những lãnh đạo doanh nghiệp thuần Việt, kỹ năng quản trị trong bối cảnh đa văn hoá có quan trọng không?

Có, nếu công ty đó cần tiếp cận nhiều khách hàng hay nhà đầu tư nước ngoài thì vấn đề đa văn hoá rất quan trọng. Các doanh nghiệp đến Việt Nam cũng phải tìm hiểu về văn hoá của ta, ta cũng hiểu về văn hoá của họ thì sự hợp tác trong công việc sẽ tốt hơn.

Mặt khác, trong môi trường kinh doanh hiện đại, việc giữ gìn bản sắc văn hoá có quan trọng không?

Bản sắc văn hoá rất quan trọng, tôi nghĩ như vậy. Mình cần giữ lại những bản sắc tốt đẹp nhất của Việt Nam. Nhưng cũng cần hài hoà với văn hoá nước ngoài. Như vậy sẽ phù hợp với xu hướng tương lai, thuận lợi cho công ty mình phát triển, mở rộng theo hướng quốc tế hoá và trên cả đất nước Việt Nam.

Shark Louis Nguyễn: Điểm thiếu sót của người Việt là ngại đụng chạm - Ảnh 9.

Nhiều người vẫn mặc định môi trường ở nước ngoài luôn tốt hơn môi trường trong nước và để xảy ra tình trạng “chảy máu chất xám”. Anh nghĩ sao về điều này?

Mỗi người có quan điểm riêng, những bạn trẻ du học ở Mỹ hay nước ngoài muốn ở lại đó là tuỳ họ. Có thể họ muốn đc đào tạo tốt hơn. Nhưng theo tôi phải cân nhắc kỹ vì Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ hơn nước ngoài. GDP Việt Nam mỗi năm phát triển 6 – 7%, nhanh hơn rất nhiều so với các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

Tại nước ngoài, bạn có thể được đào tạo rất tốt nhưng lâu dài thì thị trường Việt Nam vẫn mạnh mẽ hơn, phát triển nhanh hơn, nhiều cơ hội hơn. Đó cũng chính là lý do tôi và nhiều người khác trở về Việt Nam làm việc.

Nguồn: Cafebiz

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *